CÁC THÀNH VIÊN ĐẠI HỌC URUGUAY, ĐẠI HỌC NGOẠI THƯƠNG ĐẾN THAM QUAN NHÀ MÁY ALPEC VÀ KANSAI-ALPHANAM
Chiều ngày 20/3/2023, chương trình tham quan nhà máy ALPEC, nhà máy Kansai-Alphanam dành cho các giáo sư, sinh viên đến từ trường Đại học Uruguay và Đại học Ngoại thương Hà Nội đã được tổ chức thành công với sự phối hợp giữa Alphanam và Đại học Ngoại thương. Hy vọng chuyến tham quan đã để lại nhiều ấn tượng và kiến thức mới trong ngành sơn, ngành thang máy dành cho các giáo sư, sinh viên tham dự.
Trong phần đầu tiên của chuyến tham quan, các đại diện về phía Alphanam đã có bài chia sẻ và giới thiệu về Alphanam, nhà máy ALPEC, nhà máy Kansai-Alphanam tại hội trường 03, sân Golf Long Biên, Hà Nội để các giáo sư và sinh viên của đoàn có góc nhìn tổng quan nhất trước khi di chuyển tham quan nhà máy.
Tại buổi chia sẻ, đại diện phía Alphanam có sự tham gia của Mr. Hoàng Thế Duy – Tổng giám đốc CTCP Liên doanh ALPEC; Mr. Nguyễn Trọng Bình – Phó tổng giám đốc CTCP Liên doanh ALPEC; Ms. Nguyễn Thị Linh – Trợ lý Phó Chủ tịch HĐQT tập đoàn; Ms. Ngô Thị Mỹ Hạnh – trưởng phòng Marketing Công ty TNHH Sơn Kansai-Alphanam.
Về phía Đại học Uruguay có sự hiện diện của Giáo sư Carlos Massa cùng các thành viên là các sinh viên đang học tại trường.
Bên cạnh đó có sự tham gia của các sinh viên đến từ trường Đại học Ngoại thương Hà Nội.
Trong thời đại hội nhập quốc tế ngày nay, Alphanam không ngừng mở rộng hợp tác, giao thương với các nhiều Doanh nghiệp tại nhiều quốc gia trên thế giới. Ms. Linh đã giới thiệu những dấu mốc quan trọng của Alphanam, các lĩnh vực hoạt động và các đối tác Quốc tế đã đồng hành trong những năm qua.
Đại diện phía Kansai-Alphanam, Ms. Hạnh tự hào Kansai Paint là một trong những thương hiệu sơn hàng đầu Nhật Bản. Được coi là biểu tượng của ngành sơn và hóa chất, với lịch sử phát triển đáng tự hào, Kansai Paint là thương hiệu bảo chứng cho vẻ đẹp trường tồn với thời gian của các công trình thế kỷ. Năm 2021, sơn Kansai tiếp tục được bình chọn là top 6 trong 20 nhà sản xuất vật liệu phủ lớn nhất thế giới. Với sự hợp tác giữa Tập đoàn Alphanam và Tập đoàn Kansai Nhật Bản, Kansai Paint Việt Nam đã phát triển được một hệ thống phân phối trên 63 tỉnh thành và phục vụ hơn 100 dự án lớn mỗi năm.
Đối với nhà máy sản xuất thang máy, ALPEC là một trong những đơn vị lớn sản xuất thang máy tại thị trường Việt Nam và luôn có định hướng, mục tiêu mở rộng ra thị trường quốc tế. Với sản lượng trung bình 100 chiếc/1 tháng, hiện nay ALPEC đang cung cấp các dòng thang máy dành cho chung cư, khu cao tầng và đặc biệt là loại thang máy dân dụng dùng cho nhà ở với thiết kế dưới 9 tầng – một trong những sản phẩm đặc biệt của ALPEC so với các quốc gia khác – anh Nguyễn Trọng Bình chia sẻ.
Kết thúc phần giới thiệu, đoàn tham quan đã cùng nhau di chuyển về tỉnh Hưng Yên để được tham quan và trải nghiệm thực tế về công nghệ sản xuất, hệ thống máy móc hiện đại của 2 nhà máy ALPEC và KANSAI.
Bước vào nhà máy ALPEC, các bạn sinh viên được anh Lương Trọng Đức – Phó Tổng Giám đốc CTCP Liên doanh Alpec chia sẻ về hệ thống máy móc đặc biệt cần có trong quy trình tạo nên một sản phẩm thang máy: Các chi tiết lắp ráp, khung thiết bị an toàn của thang máy, cabin thang máy,… đều được lắp ghép chính xác khi xuất xưởng. Với công nghệ 4.0 cùng sự can thiệp của con người, nên sản phẩm thang máy làm ra có độ chính xác cao, an toàn.
Bên cạnh đó, anh Đức đã dẫn đoàn tham quan vị trí sản xuất thang máy; dây chuyền sản xuất công nghệ 4.0 lớn nhất hiện nay; các máy gia công tạo hình, máy uốn gốc sản phẩm; các công nghệ gia công, tạo phôi gia công gỗ đến từ Nhật Bản.
Sau khi tham quan ALPEC – một nhà máy sản xuất thang máy với quy mô lớn, thiết bị máy móc, cơ sở hiện đại, đoàn tham quan đã tiếp tục di chuyển sang nhà máy sơn Kansai-Alphanam tìm hiểu về một ngành nghề mới – ngành sản xuất sơn.
Tiếp đón đoàn tham quan tại nhà máy sơn Kansai-Alphanam, anh Nguyễn Anh Quang – Phó giám đốc nhà máy đã đưa đoàn tham quan một vòng nhà máy với các kệ sắt chắc chắn đặt sản phẩm sơn, các máy móc dây chuyền cho từng khâu sản xuất. Đặc biệt anh có giới thiệu đến mọi người dây chuyền mở xử lý nước thải của nhà máy đảm bảo không gây hại cho môi trường. Nguồn nước thải sẽ được tách nước và bùn, nước thải xử lý sạch mới được thải ra môi trường (nước thải ra môi trường gần như sạch 100%). Với dây chuyền xử lý mùi tốt nên vào không gian nhà máy không hề có mùi gì.
Khép lại chương trình tham quan tại nhà máy ALPEC và Kansai-Alphanam, hy vọng rằng chuyến tham quan đã để lại trong tập thể giáo sư, sinh viên trường Đại học Uruguay và trường Đại học Ngoại thương Hà Nội thật nhiều kiến thức mới, trải nghiệm mới và là một kỷ niệm đáng nhớ với Alphanam. Trong tương lai hy vọng sẽ mở ra nhiều cánh cửa hợp tác và hội nhập giữa Alphanam với Uruguay nói riêng và Nam Mỹ nói chung.